Vụ án vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức Vụ Trịnh Xuân Thanh trở về Việt Nam

Vai trò các nghi phạm vụ bắt cóc

Ngày 24.04.2018, Tòa Thượng thẩm Berlin xét xử công khai nghi phạm mật vụ Việt Nam Nguyễn Hải Long, quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Séc, dự kiến kéo dài 4 tháng, với hai tội danh, làm việc cho tình báo nước ngoài và hỗ trợ hành vi bắt cóc. Ông này bị bắt giữ tại Prague, cộng hòa Séc hôm 12 tháng 8 năm 2017 và bị dẫn độ về Đức ngay sau đó.[61] Theo một nguồn tin từ Cộng Hòa Séc, „đã có từ 10 đến 20 triệu Euro được phía Việt Nam chuyển sang thông qua cửa hàng chuyển tiền MoneyGram của ông Nguyễn Hải Long trong khu chợ Sapa của người Việt tại Praha. Ông Long được cho chỉ là một bình phong, người chủ thực sự là ông Đào Quốc Oai cậu ông ta. Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra ông Oai đã lẩn trốn về Hải Phòng. Trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một trong những nhiệm vụ của Nguyễn Hải Long là lo thuê các phương tiện di chuyển ở Praha cho mật vụ Việt Nam. Chiếc xe đầu tiên là chiếc BMW X5 từ ngày 18 đến 22.07.2017. Chiếc xe này đã được sử dụng ở Berlin để theo dõi Đỗ Minh Phương 26 tuổi được cho là người tình của Trịnh Xuân Thanh, đến từ Việt Nam. Chiếc xe thứ hai VW Multivan T5 từ ngày 20 đến 24.07.2017, mà nghi can Long đích thân lái đến Berlin trong ngày đầu tiên. Đó là chiếc xe mà được dùng vào sáng 23.07. 2017 gần 11 giờ sáng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và bà Phương. Sau đó Long đã lái chiếc xe này về lại Praha. Ngày hôm sau Nguyễn Hải Long và ông cậu Đào Quốc Oai lại thuê mướn một chiếc xe thứ ba Mercedes Vito đến 27.07.2017.[62]

Theo công tố viên liên bang Đức, Long biết tất cả về kế hoạch bắt cóc. Theo luật sư của Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Schlagenhauf, trong điện thoại của Long có ghi số điện thoại của Trung tướng Đường Minh Hưng, được cho là chỉ huy vụ bắt cóc và sau vụ bắt cóc Long có hội họp với tướng Hưng và những kẻ tham dự cuộc bắt cóc này.[63] Bản cáo trạng cho biết, bị cáo Nguyễn Hải Long đã nói chuyện với trung tướng tình báo CSVN Đường Minh Hưng bằng điện thoại di động, và các nhà điều tra Đức đã có trong tay bản ghi âm những cuộc nói chuyện điện thoại này.[64]

Nghi phạm Nguyễn Hải Long thú nhận

Bị cáo trong lần khai bổ sung vào ngày 17 tháng 7 năm 2018 thừa nhận đã biết trước về kế hoạch bắt cóc ngay từ ngày đầu tiên được lệnh từ Đ. Q. Oai trong việc tìm thuê xe, ngày 15 tháng 07 năm 2017, và bị cáo đã đồng ý tham gia. Ông Long cũng thừa nhận ông biết rằng người chỉ đạo chiến dịch bắt người này là Tướng Đường Minh Hưng, người mà ông đã đặt phòng khách sạn hộ tại Berlin. Ông Long cũng khai trước tòa rằng sau khi vụ bắt người hoàn thành, ông đã tham dự một buổi tiệc "ăn mừng" ở Prague, với Tướng Hưng là một trong những người có mặt.[65]

Ngày 25 tháng 7 năm 2018 Tòa án ở Berlin, Đức kết án ông Long 3 năm 10 tháng tù về Hoạt động gián điệp chống lại Nhà nước Đức, và hỗ trợ cưỡng đoạt tự do của 2 nạn nhân Trịnh Xuân Thanh và người tình Đỗ Thị Minh Phương trên lãnh thổ nước Đức.[66][67] Bà Regine Grieß, Chánh án chủ tọa phiên tòa khi đọc bản cáo trạng đã nếu rõ vụ bắt cóc là "Trường hợp chưa từng có trong lịch sử gần đây của CHLB Đức, điều này gợi nhớ đến một cuốn tiểu thuyết tội phạm hình sự từ thời chiến tranh lạnh" và "Phát hiện ra mật vụ Việt Nam đã sử dụng mạng lưới nằm vùng chằng chịt như mạng nhện tại châu Âu để thực hiện vụ bắt cóc này". Ông Lienhardt Weiß, đại diện của Viện Công tố Liên bang Đức trả lời phóng viên báo chí, cho biết "Chúng tôi đang tiếp tục điều tra người nhà các nhân viên ĐSQ Việt Nam và những người Việt ở châu Âu đã tiếp tay, bắt cóc người ngay giữa ban ngày".[68]

Nguyễn Hải Long kháng cáo

Ngày 31 tháng 07 năm 2018, bị cáo Nguyễn Hải Long bất ngờ đưa đơn kháng án. "Không có lời thú tội thì Nguyễn Hải Long không bị lên án ở Việt Nam là kẻ phản quốc", luật sư Bonell nói. Khi tuyên án hồi tuần trước, bà Regine Grieß Chánh án chủ tọa phiên tòa nói rõ, tòa án có đầy đủ các nhân chứng và bằng chứng do cảnh sát điều tra thu thập được, để kết án bị cáo Nguyễn Hải Long mà không nhất thiết phải có lời thú tội của bị cáo.[67]

Tường thuật của các nhân chứng

Ba nhân chứng, gồm một người Pháp, một người Đức, và một người Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ trực tiếp chứng kiến những gì diễn ra tại vườn thú Berlin hôm 23 tháng 7 năm 2017. Nhân chứng người Thổ Nhĩ Kỳ khai trước tòa rằng khi nhìn thấy những gì xảy ra, ông đã đề nghị người bạn đang đi cùng quay xe đuổi theo chiếc xe van bắt người "cho đến cổng thành Brandenburger Tor thì không theo được nữa". Người này sau đó đã báo cho cảnh sát. Trong phiên tòa ngày thứ 2, 25 tháng 4 năm 2018 có sự hiện diện của hai nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Đại diện của phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin cũng có mặt.[69]

Sự xuất hiện một nhân chứng người Việt trong phiên tòa ngày 25 tháng 04 cho thấy sự can dự sâu của tòa đại sứ CSVN tại Đức vào vụ bắt cóc. Kỹ sư Lê K. Phong khai trước tòa rằng, vào buổi chiều cùng ngày vụ bắc cóc, ông nhận được điện thoại của ông Lê Đức Trung, Bí thư thứ nhất ĐSQ Việt Nam tại Đức, nhờ ông đến khách sạn lấy hành lý của một người Việt Nam (cô Minh Phương) bị gẫy tay nên không thể tự đến lấy được.[70]

Lời khai Vũ Đình Duy

Vũ Đình Duy cựu TGĐ PV Tex, em họ Trịnh Xuân Thanh, mà cũng bỏ chạy sang Đức, khai tại tòa, có sang Praha để thăm Đào Quốc Oai, một người bạn thân. Ông Oai cho biết, ông ta cung cấp các dịch vụ tại châu Âu, đó là việc chuyển tiền, chuyển hàng, buôn bán hàng hóa hai chiều Cộng hòa Séc – Việt Nam và nhận nhiệm vụ trợ giúp hậu cần khi các phái đoàn của Việt Nam sang, đặc biệt là của Bộ Công an Việt Nam.[71] Vũ Đình Duy khai, đã nhận diện Oai đặt phòng cho Tướng Đường Minh Hưng sau khi được cảnh sát cho xem lại video.[72]

Liên hệ của chính phủ Slovakia

Ba ngày sau khi vụ bắt cóc xảy ra, nhiều nghi phạm đã lái chiếc xe thuê Mercedes Vito từ Praha đến thủ đô Bratislava của Slovakia. Chiếc xe đã đỗ trong bãi đậu xe của khách sạn Borik, cùng ngày và là nơi có một cuộc họp làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm cùng với trung tướng Đường Minh Hưng và điệp viên tình báo Vũ Quang Dũng, 2 người nêu tên sau bị tổng công tố viện Đức cáo buộc chỉ huy hoặc tham dự vụ bắt cóc, về phía Slovakia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó Thủ tướng Robert Kalinák. Tướng Hưng, đặc biệt bay từ Việt Nam tới tham dự cuộc họp, mặc dù ông ta vừa mới rời khỏi Châu Âu sau vụ bắt cóc. Có nghi vấn là họ điều đình để đưa ông Thanh về Việt Nam.[73][74][75]

Tổng công tố viên Đức ngày 28 tháng 9 năm 2017 đã yêu cầu Slovakia giúp đỡ về pháp lý về nghi ngờ có hoạt động gián điệp theo ủy nhiệm của chính phủ Việt Nam và kể rõ mọi việc. Vào ngày 4 tháng 10 yêu cầu này được thêm vào với lệnh bắt một người mà tham dự vào cuộc họp ở khách san Borik: trung tướng Đường Minh Hưng, bị cáo buộc tội điều hành cuộc bắt cóc. Ngày 24 tháng 11 một tòa án Slovakia quyết định, liên quan đến vụ bắt cóc các dữ liệu điên thoại của các người bị cáo buộc, mà đã có mặt ở khách sạn, phải được giao cho viên chức điều tra Đức.[76]

Cuối tháng 11 cảnh sát Slovakia yêu cầu cơ trưởng cơ quan lập biên bản của bộ nội vụ, mà có mặt trong buổi họp, cho biết mọi dữ kiện trong buổi họp. Ông ta gởi một biên bản ngắn với danh sách các người tham dự. Cuộc họp thiệt ra chỉ ngắn hơn 1 tiếng được ghi là dài 3 tiếng. Ông ta cũng không cho biết là sau đó một nhóm gồm 12 người Việt bao gồm cả tướng Hưng rời khỏi nước này với chiếc máy bay của chính phủ Slovakia.[76]

Bộ Nội vụ Slovakia ngày 29 tháng 4 tuyên bố rằng họ quan ngại về việc chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm hồi năm ngoái có thể đã bị 'lợi dụng' cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương. Bộ thừa nhận rằng, do phái đoàn Việt Nam có những thay đổi vội vã trong lịch trình di chuyển, nên họ đã cho các vị khách mượn một chiếc máy bay chính phủ. Theo kế hoạch ban đầu, phái đoàn Việt Nam lẽ ra đến Vienna, và phái đoàn của Slovakia cũng sẽ tới sân bay Vienna để gặp họ. Tuy nhiên, đoàn của ông Tô Lâm đã đột ngột đến Prague, khiến Slovakia đồng ý cho mượn máy bay để đưa đoàn từ Prague tới Bratislava, rồi sau đó là tới Moscow rồi về Việt Nam.[77] Đương kim Thủ tướng Slovakia, ông Peter Pellegrini nói rằng, "Bộ [Nội vụ] hiện đang liên hệ với phía Việt Nam để xác minh chính xác thành phần phái đoàn, và tìm hiểu xem liệu có phải có ai đó đã đưa người lên [chiếc phi cơ của chính phủ Slovakia] mà chính phủ không biết hay không." [78][79] Ngày 3 tháng 5 năm 2018 Bratislava đã triệu tập đại sứ Việt Nam Dương Trọng Minh lên để yêu cầu phía Việt Nam phải cung cấp cho họ thông tin liên quan tới các cáo buộc theo đó nói Slovakia có 'tham gia' là quốc gia trung chuyển trong quá trình bắt cóc một công dân Việt Nam từ Đức đưa về Việt Nam.[77] Phát ngôn viên Susko cho biết: "Chúng tôi nói với Ngài Đại sứ rằng nếu chúng tôi thấy lời giải thích của Việt Nam, một khi lời giải thích đó được trao cho chúng tôi, là không thỏa đáng, thì Bộ Ngoại giao và Cộng hòa Slovakia bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp tiếp theo, phù hợp với quy tắc ngoại giao." [80]

Tổng thống Andrej Kiska cho biết là ông ta đã nghe được vào mùa hè năm trước là một người Việt bị bắt cóc ở Đức và được đưa sang Slovakia, và người này được đưa cho một hộ chiếu giả và bị đưa ra khỏi EU bằng máy bay của chính phủ Slovakia. Ông ta nói với trang mạng tin tức Aktuality.sk, "chuyện không thể tin được là chính bộ nội vụ của mình lại dính líu vào việc này, như là một phim Hollywood dở.“ Bộ trưởng ngoại giao Miroslaw Lajčák, cũng như tổng thống không thuộc đảng nào, đòi hỏi phải làm rõ mọi việc: „ Tình trạng này rất nghiêm trọng. Chúng ta phải điều tra tới cùng, bởi vì nếu không sẽ có những ảnh hưởng xấu tới quan hệ ngoại giao giữa chúng ta và nước Đức.“[76]

Cảnh sát điều tra Đức cho rằng, “hầu như không còn hoài nghi gì nữa” Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa ra khỏi khu vực đi lại miễn thị thực Schengen của Liên minh châu Âu bằng một chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Theo họ, rất có thể một phái đoàn do bộ trưởng công an Tô Lâm dẫn đầu đã đánh lừa chính phủ Slovakia, để có được chiếc chuyên cơ bay từ thủ đô Bratislava đi Moscow. Một trong những giả thuyết cho rằng, chính phủ Slovakia đã bị lừa trong vụ này do viên cố vấn gốc Việt của thủ tướng Slovakia khi đó, ông Lê Hồng Quang, đã toa rập với phái đoàn Tô Lâm. Ít lâu sau vụ bắt cóc, ông Lê Hồng Quang đã được cử đến Hà Nội làm đại sứ Slovakia, nhưng sau đó bị triệu hồi về Slovakia vì những cáo buộc tham nhũng.[81]

Buổi họp ngày 26.7.2017

Ngày 26.7.2017 lúc 11.26 giờ, 4 người Việt, bộ trưởng Công an Tô Lâm, trung tướng Đường Minh Hưng, một viên chức mật vụ cao cấp và một người tùy tùng tới phi trường Praha từ một chuyến bay thường lệ của Czech Airlines từ Paris. Ở đây họ được chiếc Airbus A 319 của chính phủ Slovakia đưa về Bratislavia vào lúc 13.15 giờ và vào lúc 14.52 giờ chiếc này lại bay sang Moskva. Từ phi trường tới khách sạn chính phủ Borik mất khoảng 20 phút, như vậy cho buổi nói chuyện chỉ còn lại 1 tiếng, trong khi chính phủ Slovakia ban đầu nói nó kéo dài 3 tiếng rồi xuống còn 2 tiếng. Chiếc xe thuê Mercedes Vito từ Praha, do 2 nghi phạm dính líu tới vụ bắc cóc lái, cũng đậu ở đây từ 12.35 tới 14.17 giờ. Buổi ăn cơm trưa gồm 4 người Việt từ Paris, bộ trưởng bộ nội vụ Kaliňák và 2 viên chức trong bộ cùng với một người Việt khác là ông Lê Hồng Quang. Sau đó 4 người Việt này cùng 8 người Việt khác đã vào phi trường với hộ chiếu ngoại giao. Rồi máy bay chính phủ Slovakia chở họ tới Moskva và bay trở lại cùng ngày. Viên chức điều tra Đức hiện đòi thẩm vấn phi hành đoàn chiếc máy bay cùng các nhân viên khách sạn.[82]

Bộ trưởng nội vụ Slovakia bị cáo buộc giúp đỡ đưa Thanh sang Moskva

Báo FAZ Đức, điều tra cùng với tờ báo Slovak “Denník N” của Slovakia ngày 02.08.2018, cáo buộc ông Robert Kaliňák, cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, hiển nhiên có dính líu tới việc đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Theo các nhân viên cảnh sát tháp tùng đoàn xe đón phái đoàn Việt Nam, Kaliňák đứng đợi ở bãi đậu xe của khách sạn Borik. Ông có vẻ căng thẳng hồi hộp và khẩn trương nói chuyện qua máy điện thoại di động. Ông Kaliňák phủ nhận cả hai việc này. Khi các chính trị gia của hai nước họp trong khách sạn, phái đoàn Việt Nam đưa ra một yêu cầu, họ muốn cho thêm một chiếc xe khác đi cùng với đoàn xe ra sân bay Pressburg để bay đi Moscow, chiếc xe này mang biển số Cộng hòa Séc. Đó là chiếc xe mà các nhà điều tra Đức từ lâu nhờ dữ liệu định vị GPS đã cho rằng nạn nhân bị bắt cóc được vận chuyển đến đậu ở phía trước khách sạn Borik. Hai bên đồng ý là hành khách sẽ được chuyển sang xe cảnh sát Slovakia. Đó là lần đầu tiên các cảnh sát thấy ông Thanh, bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và không thể tự đi một mình. Người lập biên bản cuộc họp của Bộ Nội vụ, ông Radovan Čulák, nói với họ: “ Kaliňák biết về việc này, đó là lợi ích của quốc gia“ và cho biết người Việt này bị say rượu và ngã xuống cầu thang. Kaliňák thì lại cho là, không ai ở trong tình trạng bị thương, sức khỏe không tốt, hay không đi lại được bình thường. Tất cả 12 người lên máy bay, Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là đờ đẫn và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi.[83]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ Trịnh Xuân Thanh trở về Việt Nam http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40790917 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40816890 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40893673 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43393346 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43888056 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43949432 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43963258 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43963265 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43994004 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44027113